Về hình thức, chúng thành lập các nhóm, hội, fanpage… làm cơ quan ngôn luận, công khai hóa tổ chức, vận động người dân, dụ dỗ các đối tượng bị phạt tù chính trị, các nhà báo, nhà văn, đảng viên thoái hóa biến chất, cán bộ vi phạm kỷ luật bị mất quyền lợi để viết bài tung lên mạng xã hội, phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chính trị xấu, phản động. Chúng triệt để lợi dụng các báo điện tử, blog cá nhân làm “nóng” các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí… từ đó đổi trắng thay đen, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, kích động gây rối, chống đối chính quyền địa phương, nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý người đọc.
Khi các thiết bị công nghệ, nhất là điện thoại thông minh có chức năng kết nối 3G, 4G, wifi trở thành “vật bất ly thân” của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước triệt để lợi dụng bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó lôi kéo, hướng dư luận theo quan điểm sai trái, thù địch. Hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng này đã lập và sử dụng hàng ngàn website, blog, diễn đàn trực tuyến… để thực hiện việc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chúng ra sức tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng Internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng, từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam...
Một trong những phương thức mà các đối tượng gia tăng hoạt động chống phá trên mạng internet trong thời gian gần đây là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Bằng các bài viết xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ trong lãnh đạo cấp cao, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện cả ngàn tài khoản facebook, hàng trăm kênh Youtube do các đối tượng chống đối trong và ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận về vấn đề chính trị, kinh tế Việt Nam.
Chúng ta phải hiểu tự do internet không có nghĩa tuyệt đối. Không phải ai thích viết gì, nói gì, muốn xâm phạm cá nhân, tổ chức nào trên internet cũng được. Tại những nước phát triển như Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, nhận xét trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công chức Singapore đã bị cắt mạng internet từ tháng 5-2017. Ở Anh, tháng 8-2011, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. Còn tại Mỹ, đầu tháng 9/2016, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. Rõ ràng, với hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng. Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý mạng internet là phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn chung của các quốc gia trên thế giới.
Trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lực lượng 47 Học viện Lục quân nói chung và của cơ quan Văn phòng nói riêng đã chủ động nắm chắc hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tập trung bình luận, bày tỏ quan điểm, thái độ phản đối trước các luận điệu sai trái, phản động, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội đăng tải trên các trang mạng; đã có hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ các tin, bài có nội dung tích cực, đấu tranh trực diện với các hoạt động sử dụng mạng xã hội chống phá của các thế lực thù địch. Xuất hiện nhiều đồng chí tích cực tham gia đấu tranh, chia sẻ, viết bài tuyên truyền, phản bác luận điệu của kẻ thù trên các nhóm như nickname: “Nam Sơn”, “Nguyễn Hoàn”, “Nắng Mai”,…
Để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh, phản bác lại các thông tin, quan điểm sai trái; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhân cách, tác phong quân nhân; chú trọng xây dựng nhân rộng điển hình tiên tiến; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tăng cường hoạt động của lực lượng 47 và từng cá nhân đều phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực viết bài đấu tranh chuyên sâu, phản bác lại các quan điểm sai trái, phản động; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp tăng cường công tác quản lý việc đăng tải các thông tin trên các Blog, Facebook cá nhân; kịp thời ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, phản cảm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng để tung tin thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích Quốc gia, danh dự, uy tín cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo, cẩn trọng, có sự chọn lọc kỹ lưỡng khi tiếp nhận những thông tin, tuyệt đối không nghe, không đọc, không tin, không bàn luận, không chia sẻ các thông tin xấu độc, bịa đặt./.
N.X.D
Nguồn tin: Học viện Lục quân