Tại Hội nghị, tham gia vào các vấn đề chung của các văn kiện, hầu hết các ý kiến đánh giá, dự thảo văn kiện lần này được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, công phu. Nội dung có tính khái quát cao, toàn diện; bám sát những kinh nghiệm thực tiễn trong 30 năm đổi mới. Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc và âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phòng chống đại dịch Covid-19.
Các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, cần phải chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cụ thể trong từng lĩnh vực. Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ; đầu tư công; phòng chống buôn lậu gian lận thương mại; việc thực thi pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị Nhà nước các cấp chưa nghiêm, chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vấn đề giáo dục đào tạo chưa thực sự quan tâm đúng mức, còn nhiều vấn đề nhức nhối…
Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh, tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, đặc tư, đặc lợi, cục bộ, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, công tác cán bộ còn xem nhẹ để cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Các cơ quan thực thi pháp luật giải quyết các vụ án kinh tế lớn kể cả trong quân đội, công an, có những vụ dư luận nhân dân cho rằng, xử lý chưa tương xứng với lỗi phạm, lỗi phạm thực chất là tham nhũng, vụ lợi rất lớn nhưng chỉ xử lý kỷ luật trong Đảng hoặc truy cứu trách nhiệm với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…
Ông Nguyễn Văn HánÔng Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình đề nghị tiếp tục làm rõ cả về lý luận và thực tiễn vấn đề Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và mối quan hệ biện chứng của các thành tố trên để mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trong hệ thống chính trị hiểu đúng, làm đúng, nói đi đôi với làm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Ông Hán cho rằng, lâu nay trong sinh hoạt cũng như trong các văn kiện của Đảng, chúng ta đã quen với cụm từ: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; cụm từ “Đảng cầm quyền” còn tương đối xa lạ và ít được đề cập. Nhưng thực tế, khái niệm Đảng cầm quyền đã được các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác đề cập từ rất sớm. Trong Di chúc, Bác Hồ đã khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Văn kiện Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII cũng đề cập đến “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả”.
Ông Phạm Đức ThọÔng Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ, đặc biệt quan tâm tình trạng một số địa phương mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng và tác động của việc nếu kết hợp không tốt sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Song một số nơi còn nặng về coi trọng phát triển kinh tế, lợi ích kinh tế mà chưa chú trọng đến yếu tố quốc phòng, phòng thủ của đất nước nhất là các khu vực phòng thủ trọng yếu, nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tình trạng các dự án hợp tác liên doanh với nước ngoài nằm trong các khu vực trọng yếu về quốc phòng còn chưa được tính toán, cân nhắc một cách thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc.
Ông Thọ đề nghị trong phần hạn chế bất cập của Dự thảo Báo cáo chính trị, cần thêm 3 chữ “chưa nghiêm túc” sau từ “có nơi” và trước từ “hiệu quả chưa cao”.
Thiếu tướng Lưu Xuân CảiThiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Phòng đặc biệt quan tâm nội dung không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. Từ thực tế những năm qua, các địa phương trong cả nước rất quan tâm tới phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên vấn đề mà cựu chiến binh Hải Phòng còn băn khoăn là vấn đề môi trường, có thể nói đang ở trong tình trạng báo động khi mà các doanh nghiệp nước ngoài, các khu kinh tế phát triển rất nhanh. Thời gian qua, có tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa thực sự quan tâm tới việc xây dựng hệ thống lọc nước trước khi thải ra nguồn nước sinh hoạt của địa phương. Cá biệt có những doanh nghiệp không qua hệ thống lọc mà thoát trực tiếp ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, Thiếu tướng Cải đề nghị, trong Dự thảo, vấn đề bảo vệ môi trường cần phải được đề cập tương xứng, phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy các địa phương mới quán triệt và thực thi nghiêm túc.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị.Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai bày tỏ tâm đắc và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại Hội nghị. Nhấn mạnh con số 91% hội viên cựu chiến binh được tiếp cận các dự thảo văn kiện Đại hội XIII cho thấy Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nghiêm túc, quyết liệt từ cấp cơ sở lên tới Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, do vậy các ý kiến đóng góp thể hiện tính toàn diện, sâu sắc.
Bà Trương Thị Mai nhấn manh, ngày 10/11 tới là hạn cuối để các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Tổ biên tập, Tiểu ban soạn thảo văn kiện. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẵn sàng lắng nghe các ý kiến tâm huyết cho đến trước ngày khai mạc Đại hội, để tổng hợp đưa vào Đại hội tiếp tục tham khảo./.
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV - ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM: