HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN
Ngày 20/6/2012, với sự nhất trí của 193/193 quốc gia, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lấy ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao giá trị hạnh phúc trên toàn cầu. Theo đó, Ngày Hạnh phúc không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu trưng mà là ngày của hành động tích cực, nỗ lực nhiều hơn để đem lại hạnh phúc cho con người.
Hạnh phúc là giá trị chủ đạo của xã hội, là mục tiêu, phương tiện để công dân đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại Hội nghị cao cấp của Liên Hợp Quốc về Hạnh phúc ngày 2/4/2012, Liên Hợp Quốc khuyến cáo coi hạnh phúc là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội và là mục tiêu của chính sách công, với mức độ hài lòng của người dân về các chỉ báo cơ bản như thu nhập bình quân theo đầu người, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng, vị tha của các thành viên; sức khỏe cộng đồng, thái độ và phản ứng tích cực xã hội, tính đa dạng và sự cởi mở của văn hóa, sự đa dạng và biến đổi tích cực của môi trường sinh thái….
Ở nước ta, các nghiên cứu về hạnh phúc được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau theo các cặp quan hệ tương tác như lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội, cá nhân - gia đình, con người - xã hội… nhưng đều có điểm chung là “một xã hội sẽ được đánh giá tốt đẹp khi đem lại hạnh phúc cho nhiều người”(2). Theo đó, hạnh phúc được đo lường qua các chỉ báo như mức độ hài lòng về kinh tế - vật chất; môi trường tự nhiên - xã hội; mức độ hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; về đời sống cá nhân - cộng đồng.
Hạnh phúc là giá trị văn hóa cao nhất của con người, là một phạm trù lịch sử, do đó quan niệm về hạnh phúc và cách con người thụ hưởng hạnh phúc không hoàn toàn giống nhau ở mỗi cá nhân, nhóm xã hội, cũng như mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi thời đại. |
Hạnh phúc của nhân dân được xác định trên các tiêu chí cơ bản như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, mức sống, chất lượng sống. Đồng quan điểm với nhiều quốc gia, Việt Nam xác định tiêu chí hạnh phúc quốc gia cao hơn thu nhập quốc gia, thông qua việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Hạnh phúc của nhân dân xuất phát từ cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế theo hướng cân bằng, hợp lý, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo vì hạnh phúc và sự thịnh vượng...
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày 26/12/2013, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”. Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẽ”, qua đó nhấn mạnh Thông điệp yêu thương và chia sẻ trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng, bạn bè, đồng chí, cơ quan, đơn vị, nhà trường... nhằm đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng; góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của của các tầng lớp nhân dân; khẳng định mục tiêu, động lực phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
MỤC TIÊU, ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU CỦA ĐẢNG TA
Trải qua thực tiễn cách mạng, Đảng ta đã hun đúc nên truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu, động lực phấn đấu. Ngay trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, khi mới được thành lập Đảng đã đề ra mục tiêu: “A. Về phương diện xã hội thì: a) Dân chúng được tự do tổ chức; b) Nam nữ bình quyền .vv..; c) Phổ thống giáo dục theo công nông hóa. B. Về phương diện chính trị: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c) Dựng ra Chính phủ công nông binh. d) Tổ chức ra quân đội công nông”(3).
Rõ ràng, mục tiêu của Đảng luôn gắn liền với nguyện vọng tự do, độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lời bất hũ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ vào năm 1776 “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(4).
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó chỉ rõ, Chính phủ phải bằng những biện pháp, hành động quyết liệt thực hiện tốt chính sách diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; giữ vững chính quyền và tổ chức kháng chiến, kiến quốc thành công mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đối với mỗi con người biết đọc, biết viết là niềm hạnh phúc, con số năm 1945, Việt Nam có 95% dân số mù chữ thì năm 2000 có 94% dân số trong độ tuổi đi học biết đọc, biết viết. Nếu bài toán lương thực là rất khó giải quyết đối với nhân loại thì năm 1989, Đảng ta và nhân dân đã giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, biến Việt Nam từ nước thiếu đói triền miên thành nước xuất khẩu lương thực và bảo đảm tốt an ninh lương thực…. |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích, đem lại hạnh phúc cho nhân dân được thế giới ngưỡng mộ. Trong đại khủng hoảng COVID-19, nhờ “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài”(5), Việt Nam đã hạn chế tối đa những thiệt hại, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; đón hàng vạn đồng bào, kiều bào đang công tác, học tập, lao động, du lịch, thăm thân ở nước ngoài về Tổ quốc; biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó khẳng định vai trò của Đảng, Nhà nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tính nhân văn, tinh thần nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam; đồng thời khẳng định mục tiêu, động lực vì hạnh phúc nhân dân của Đảng ta.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định “quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(6). Để hướng tới bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân, Đại hội XIII xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”(7) trên cơ sở tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Theo đó, hạnh phúc của nhân dân chỉ có thể được thực hiện một cách thực chất khi Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát sự phân hóa giàu nghèo, kiểm soát và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bảo đảm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẽ - bền vững. Triển khai, thực hiện chính sách giảm nghèo, tập trung giải quyết nhóm nghèo, vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc đây là cơ sở vững chắc nhất bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân.
BẢO ĐẢM HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN
Năm 2020, Báo cáo Chỉ số hạnh phúc của Liên Hợp Quốc dựa vào 6 chỉ báo bao gồm: thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia được xếp hạng về hạnh phúc. Tuy nhiên, theo một đánh giá khác thì Việt Nam nhiều lần được gọi tên “Quốc gia Hạnh phúc” trên cơ sở các chỉ báo như: mức độ hài lòng của người dân, tuổi thọ bình quân, cuộc sống hài hòa với môi trường tự nhiên, xã hội. Trước đó, năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc trên cơ sở những đánh giá tích cực như: là quốc gia bình yên; các dịch vụ công và y tế, giáo dục phát triển...
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân, trong đó có việc con người phát triển toàn diện, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sống trong hòa bình, bình đẳng và yêu thương giúp đõ nhau. Chỉ khi nào các quốc gia, các dân tộc chung sống hòa bình, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, vì tương lai tốt đẹp chung của nhân loại, khi đó người dân trên thế giới mới thực sự được hưởng hạnh phúc một cách đầy đủ và địch thực.
Để công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân đạt kết quả tốt, cần không ngừng chú trọng, thực hiện chất lưọng, hiệu quả một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị, tư tưởng và đạo đức, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đảng phải lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu, động lực để phấn đấu trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, đề cao lợi ích của nhân dân bảo đảm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai là, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực sự vì hạnh phúc của nhân dân; tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm hạnh phúc lâu dài cho nhân dân.
Ba là, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm phát huy mọi nguồn lực, tính ưu việt của chế độ và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị giữa vững kỷ cương; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội; coi trọng nhân tố con người, luôn coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu, động lực phấn đấu của Đảng./.
Đại tá, ThS. ĐẶNG VĂN THI
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự
____________________________
Nguồn tin: tạp chí của Ban tuyên giáo trung ương: