Dựa vào dân mà chiến đấu
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa) xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi 17 tuổi, ông Lê Đức Anh đã tham gia phong trào dân chủ ở quê hương. Tháng 5-1938, ông được kết nạp vào Đảng và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cho đến giờ phút cuối cuộc đời, Đại tướng Lê Đức Anh luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo
Viết về Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thiếu tướng - TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, khẳng định: "Với gần 100 tuổi đời, trong đó có hơn 80 năm tham gia hoạt động cách mạng, phát triển từ phong trào yêu nước, từ chính trị viên chi đội trở thành nguyên thủ quốc gia. Ở cương vị nào Đại tướng Lê Đức Anh cũng luôn là con người của hành động, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy thao lược, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc trong những năm đầu đất nước đổi mới".
Theo đại tá Nguyễn Văn Quyền (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, Đại tướng Lê Đức Anh là trung đội trưởng vũ trang công nhân cao su với hơn 100 người. Đội quân này, dưới sự chỉ huy của ông, đã kéo từ Lộc Ninh, Hớn Quản về tham gia chiến đấu tại mặt trận số 2, góp phần giam chân quân Pháp suốt hơn 1 tháng, làm thất bại ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" của đối phương.
Cuối năm 1948, nhận ra tố chất và năng lực tham mưu quân sự của ông, Xứ ủy Nam Bộ đã điều ông về làm Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, một địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra các trận đánh quyết liệt giữa quân dân ta với thực dân Pháp. Tại đây, ông làm cán bộ quân sự, xây dựng lực lượng, tổ chức chiến dịch, xây dựng và phát triển chiến thuật cho quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Vì vậy, lực lượng vũ trang Khu Sài Gòn - Chợ Lớn không ngừng được kiện toàn về tổ chức và đẩy mạnh hoạt động tác chiến. Nhiều trận đánh của lực lượng này có hiệu suất cao, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch.
Trong tham luận của mình, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - nhận định Đại tướng Lê Đức Anh là người kiên quyết đề nghị chỉ xây dựng lực lượng vũ trang đến cấp tiểu đoàn tại chiến trường Nam Bộ theo phương châm "Dựa vào dân mà chiến đấu". Qua đó đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, vào năm 1974, trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam trong chống Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ lực Miền huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới, đặc biệt tập huấn cách đánh "công kiên". Dưới sự chỉ huy của ông, quân và dân làm nên chiến thắng Phước Long, làm cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Lê Đức Anh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam, đây là hướng tiến công vào TP Sài Gòn khó khăn nhất. "Với bản lĩnh, kinh nghiệm, đồng chí Lê Đức Anh đã tham gia hoạch định và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự chiến thắng của chiến dịch" - Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cho rằng trong suốt 10 năm (1979-1989), Đại tướng Lê Đức Anh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối quốc tế trong sáng của Đảng và tư tưởng "giúp bạn tức là tự giúp mình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Tư lệnh Quân tình nguyện, Trưởng Ban Lãnh đạo đoàn chuyên gia giúp Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ huy các đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, gian khổ để giúp quân và dân nước bạn, đánh tan 20 vạn quân Pol Pot và chặn đứng âm mưu quay trở lại chính trường của chúng, cứu dân tộc này khỏi nạn diệt chủng.
Nhiều quyết sách quan trọng
Theo PGS-TS Nguyễn Danh Tiên và TS Trần Thị Nhẫn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trên cương vị Chủ tịch nước (1992-1997), Đại tướng Lê Đức Anh cùng tập thể lãnh đạo Đảng, nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng trong đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống người dân.
Một trong những vấn đề được Chủ tịch nước Lê Đức Anh hết sức quan tâm là chính sách đối với người có công với đất nước. Năm 1994, ông đã ký ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... Về đối ngoại, ông là người đã tìm ra "chìa khóa" để mở cánh cổng bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ bắt đầu bằng lĩnh vực khoa học y khoa. Ông đã đề xuất và chọn Thiếu tướng - bác sĩ Nguyễn Huy Phan, Viện Quân y 108, khi đó là giáo sư đầu ngành về y học phẫu thuật chỉnh hình, làm khâu đột phá nối lại quan hệ với Mỹ. Từ đó, Việt Nam đã có sáng kiến hợp tác với các nhà khoa học phẫu thuật Mỹ trong chương trình nhân đạo "Phẫu thuật nụ cười" ở Việt Nam. Sau lĩnh vực y khoa, việc giải quyết vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA) được Việt Nam lựa chọn để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Để lại nhiều bài học
Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nhận định Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo sắc bén. Đại tướng Lê Đức Anh đã tham mưu, đề xuất Đảng ủy Quân sự Trung ương ban hành Nghị quyết số 253 vào ngày 19-11-1988 về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa phía Nam. "Nhờ tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta đã từng bước mở rộng, củng cố được thế đứng vững chắc tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam như hiện nay. Qua đó tạo lá chắn phòng thủ từ xa phía Đông của Tổ quốc" - Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm đánh giá.
Khuôn viên Khu Lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh tại quê hương
Trong tham luận của mình, đại tá - PGS-TS Dương Hồng Anh, Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đã có những phân tích, đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh với chiến lược củng cố, phòng thủ biển, đảo giai đoạn 1987-1988. Vào thời điểm này, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện những diễn biến phức tạp. Nước ngoài thường xuyên cho các tàu khảo sát đo đạc biển, tàu thăm dò dầu khí, tàu quân sự, tàu đánh cá... hoạt động, tranh chấp ngư trường. Với tầm nhìn của một vị tướng dày dạn kinh nghiệm, cuối tháng 2-1987, Đại tướng Lê Đức Anh trong cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một mặt chỉ đạo Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá ngầm, mặt khác trình lên trung ương chủ trương và kế hoạch giữ đảo và được phê chuẩn ngay sau đó.
Theo đại tá Dương Hồng Anh, quân và dân ta chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi chủ trương này, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trong tình hình mới, tập trung thực hiện một số vấn đề. Đó là kiên trì đấu tranh giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo đến mỗi người. Bên cạnh đó là tập trung nỗ lực xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bờ biển, đảo vững mạnh.
Tinh gọn để vững mạnh
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, dấu ấn nổi bật của Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987-1991) là đã đề xuất kế hoạch xây dựng quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm lực lượng vũ trang để tập trung cho phát triển đất nước; kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, phù hợp với tình hình kinh tế đất nước mà vẫn bảo đảm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn tin: Báo Nhân dân điện tử.: