Truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Văn
Dù được thầy cô đánh giá có năng lực nhưng những năm học cấp 2, học sinh Nguyễn Khánh Duy chưa bao giờ đạt điểm 7 môn Văn. Duy hiện học lớp 12C1, Trường THPT Phước Bình, kể: Năm đầu tiên vào cấp 3, em học lớp 10D, môn Văn do cô Hoài Phương dạy. Khi chọn học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi, em đã nhờ một bạn trong đội tuyển nhắn với cô Hoài Phương rằng em muốn tham gia lớp ôn thi học sinh giỏi.
Tìm hiểu về Duy và biết học sinh của mình chưa từng đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, cô Hoài Phương càng lo ngại. Thế nhưng, cô Hoài Phương vẫn quyết định cho học trò của mình cơ hội để thử sức. Bắt đầu vào nhóm ôn thi, Khánh Duy đã cố gắng áp dụng các phương pháp học tập do cô Hoài Phương và đồng nghiệp hướng dẫn. Như hạt giống được chăm sóc đúng cách, tình yêu của Khánh Duy đối với văn học được vun đắp đã cho “trái ngọt”. Cuối năm lớp 10, Khánh Duy là học sinh nam duy nhất của đội tuyển học sinh giỏi đoạt huy chương bạc Olympic TP. Hồ Chí Minh, huy chương vàng Olympic tỉnh Bình Phước. Năm lớp 11, em được chọn tham gia kỳ thi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và năm học 2020-2021, Khánh Duy đạt giải nhất học sinh giỏi văn lớp 12 cấp tỉnh. Duy cho biết: Trước đây em nghĩ gì viết đó, thậm chí lan man nên những ngày đầu tham gia đội tuyển, cô Hoài Phương và các cô trong tổ văn đã hướng dẫn em làm bố cục một bài văn. Các cô khuyến khích em rèn luyện thói quen đọc sách để đưa kiến thức bên ngoài vào bài văn hợp lý. Từ một người ít đọc sách, em đã yêu sách, xây dựng kệ sách cho riêng mình. Từ đó tình yêu của em đối với môn Văn ngày càng lớn dần theo thời gian.
“Chắp cánh” ước mơ cho học sinh
Những sáng kiến của cô Hoài Phương khi áp dụng được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao bởi chất lượng học văn tăng lên rõ rệt. Điển hình 2 năm liền đội tuyển học sinh giỏi của trường với sự dẫn dắt của cô Hoài Phương và đồng nghiệp đều có học sinh lọt vào đội tuyển quốc gia. Trong những sáng kiến của mình, cô Hoài Phương tâm đắc với đề tài “Khơi dậy và phát huy năng lực tư duy phản biện cho học sinh qua các tiết đọc hiểu văn xuôi Việt Nam hiện đại 1930-1945”. Theo cô Hoài Phương, sáng kiến có một số điểm mới, đó là đưa ra những cách thức giúp hình thành và phát huy năng lực tư duy phản biện. Tư duy phản biện gắn với đặc thù riêng của môn Ngữ văn giúp giáo viên đạt được mục tiêu giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng. Đồng thời giúp học sinh khắc sâu kiến thức, hiểu sâu sắc hơn các vấn đề đặt ra trong văn bản; từ đó giải quyết được nhiều dạng đề khác nhau.
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu không có tư duy phản biện, học sinh sẽ dễ rơi vào “ma trận”. Rèn luyện tư duy phản biện chính là cách cô Hoài Phương giúp học sinh chủ động tiếp nhận thông tin bằng nhận thức đúng đắn. Em Lê Thị Nhi (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Phước Bình), học sinh giỏi văn quốc gia cho biết: Quá trình ôn luyện cùng cô Hoài Phương và các thầy cô khác, em đã biết phương pháp làm bài văn hoàn chỉnh, nhất là những bài về nghị luận xã hội. Với những dạng đề khó, cô đều định hướng cách làm dàn ý chi tiết, cách lấy dẫn chứng phù hợp, cách viết gây ấn tượng; bố cục rành mạch, có hình ảnh và góc nhìn riêng. Khi giảng bài, cô mở rộng những kiến thức xã hội thực tiễn phong phú. Chính phương pháp của cô Hoài Phương và các thầy cô đã “chắp cánh” ước mơ của em thành hiện thực, trở thành học sinh giỏi quốc gia môn Văn.
Văn học là nhân học
Trước kho tàng kiến thức bao la, việc dạy học môn Văn thời gian gần đây cho thấy học sinh thường chỉ tiếp nhận một chiều. Các em chưa chủ động khám phá những vẻ đẹp đa dạng trong tác phẩm văn chương mà phần lớn cảm thụ theo những người đi trước. Cách “lôi kéo” học sinh đến với môn Ngữ văn của cô Hoài Phương đã góp phần giúp các em thấy được vai trò quan trọng của Văn học trong đời sống.
Nhiều năm nay, Trường THPT Phước Bình đã áp dụng những giải pháp trong sáng kiến mà cô Hoài Phương và đồng nghiệp thực hiện. Điều này không chỉ tạo ra sự đổi mới về phương pháp giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường mà còn giúp học sinh rèn luyện và nâng cao năng lực tư duy phản biện. Cô Bùi Thị Biên Linh, nguyên giáo viên Trường THPT Phước Bình, hội viên Hội Văn học Việt Nam chia sẻ: Hoài Phương là học sinh giỏi văn đầu tiên của Trường THPT Phước Bình đạt giải quốc gia. Ngoài dạy học, Hoài Phương còn sáng tác thơ, văn xuôi nên dạy văn với cô không chỉ là dạy kiến thức mà còn bằng tâm hồn, đam mê ít người có được. Những sáng kiến của cô hội đủ các yếu tố năng lực, tâm huyết, tận tụy với nghề và không ngừng sáng tạo.
Ông cha ta thường nói: Dạy Văn là dạy người. Tác phẩm văn học giúp học sinh hiểu được con người, những buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, khát vọng trong cuộc sống. Từ đó, văn học giúp con người nâng cao nhận thức, giáo dục nhận thức đúng đắn và bồi đắp tâm hồn, hướng học sinh tới chân - thiện - mỹ. Đến thăm cô Hoài Phương vào những ngày xuân Tân Sửu đang đến rất gần, nhìn thấy cô trồng cây, tỉ mỉ chăm sóc những luống hoa tôi càng hiểu thêm về một nhà giáo luôn hết mình với nghề. Với cô Hoài Phương, việc chăm sóc tâm hồn con người, nhất là học sinh là sứ mệnh nhưng cũng thật nhẹ nhàng và đầy say mê!
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước online.