Chúng tôi hợp tác với các cơ quan báo chí, cùng đầu tư để phát triển ý tưởng, xây dựng tạp chí và quan trọng nhất là kinh doanh.
Giá quảng cáo tiêu chuẩn là căn cứ để thiết kế lên cả một hệ thống giá cho rất nhiều vị trí trong tờ tạp chí, cùng với chính sách bán hàng.
Thông thường thì nó được quyết định dựa trên niềm tin về số lượng và nhu cầu của đối tượng bạn đọc – những khách hàng tiềm năng của loại thương hiệu, sản phẩm sẽ quảng cáo trên tờ tạp chí. Nó cũng phụ thuộc vào mức độ đầu tư cho chất lượng của tờ tạp chí, nghĩa là tương xứng với hình ảnh của các thương hiệu có thể xuất hiện trên đó.
Con số thứ hai quyết định khó hơn nhiều. Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, giá bìa tờ tạp chí của chúng tôi là 19.000 đồng, nhỉnh hơn 1 đôla. Trong khi đó, một tờ tạp chí cùng loại ở Singapore hoặc Mỹ là 3 - 5 đôla. Có những tờ còn đắt hơn nhiều.
Phải nói thêm rằng chi phí in cộng tiền vận chuyển trong nước của chúng tôi đã vào khoảng 1,5 đôla, nghĩa là cứ bán được một tờ là lỗ 0,3 – 0,4 đôla, chưa tính chi phí nhân sự, viết bài, chụp ảnh, thiết kế và trăm thứ linh tinh khác nữa.
Bạn sẽ hỏi: Vì sao lại bán với giá tự sát như vậy? Vâng, xin thưa, ở Việt Nam lúc đó, chỉ cần bán trên 20.000 đồng là tuyệt nhiên không có ai mua báo hết, bất chấp chất lượng nội dung và chất lượng thiết kế, in ấn ra sao.
Cho đến bây giờ, thị trường đã chấp nhận những con số cao hơn, nhưng chi phí xuất bản một tờ tạp chí cũng cao lên theo, vấn đề cũng không khác là bao.
Kinh tế báo chí phụ thuộc vào hai điều: doanh thu từ bạn đọc và doanh thu từ quảng cáo, ngoại trừ một số cơ quan báo chí đặc biệt có thêm một nguồn thu, dù rất ít, từ ngân sách nhà nước. Hãy nói về doanh thu quảng cáo trước.
Đây gần như là nguồn thu quan trọng nhất của báo chí, nhưng nó đang ngày càng thu hẹp. Cùng với sự xuất hiện và ngày càng phát triển của báo chí điện tử, doanh thu từ báo in và tạp chí ngày càng suy giảm.
Đã có thời, chúng tôi phải kiên trì thuyết phục các nhà làm luật nới lỏng tỷ lệ quảng cáo trên diện tích ấn phẩm hiện đang được quy định là 15% đối với báo in và 20% đối với tạp chí (Điều 21, Luật Quảng cáo), không bao gồm phụ trương quảng cáo, nhưng bây giờ, điều đó là không quan trọng nữa, vì tỷ lệ này sẽ không bao giờ đạt được.
Ngay cả trên báo chí điện tử, số lượng khoảng 1000 website các loại, chỉ cùng nhau chia nhau khoảng 4000 tỷ đồng, chiếm 20 - 25% tổng ngân sách quảng cáo trực tuyến.
Với báo ngày, số lượng lớn, nên dù giá bán cực rẻ (cùng thời điểm, giá bán của tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ chỉ 2500 đồng, bằng ly cà phê bình dân), nhưng cũng là nguồn thu tương đối tốt. Còn với tạp chí, doanh thu từ bạn đọc chỉ là phần bù trừ cho chi phí sản xuất như tôi đã nói ở trên.
Cùng với sự suy giảm của báo chí in, doanh thu từ bạn đọc ngày càng teo tóp. Còn với báo điện tử, doanh thu từ bạn đọc là số 0 tròn trĩnh. Bài toán thu phí từ bạn đọc đã được mang ra tranh luận từ lâu, nhưng nói thì dễ, mà chưa mấy ai dám làm, trừ 3 tờ báo tiên phong.
Trang Premium của báo VietNamNet bắt đầu thu phí từ 15/06/2021 |
Từ 15/6, VietnamNet bắt đầu mở chuyên trang thu phí từ bạn đọc. Hồi đầu năm, Ngày Nay bán thuê bao cho các loại nội dung đặc sắc. Và hồi 2018, VietnamPlus bắt đầu thử nghiệm mô hình freemium thu phí các bài báo chuyên sâu. Nhưng liệu những nỗ lực này sẽ có tương lai hay không?
Cuối năm 2020, tờ New York Times công bố đạt 7 triệu người đặt báo dài hạn, trong đó người đặt dài hạn online tăng 34%, đạt doanh số 155,3 triệu đôla, doanh thu đặt báo in giảm 3,8%, đạt 145,7 triệu đôla, còn doanh thu từ quảng cáo giảm tới 30%, còn 79,3 triệu đôla (riêng quảng cáo trực tuyến giảm 15%).
Tôi cũng đã viết trên một tờ tạp chí rằng, trong xu thế chuyển đổi số, báo chí phải hướng về người đọc nhiều hơn, phải viết những gì có giá trị cho bạn đọc. Bạn đọc sẽ trả tiền cho những nội dung hấp dẫn và chất lượng – đúng như những gì báo chí đã làm được từ thời trước công nghệ số.
Năm 1993, tôi có dịp đến thăm New York Times, lúc đó bán với giá bìa 25 cent. Còn bây giờ, tờ báo này đang chào giá 25 cent đọc báo online không giới hạn trong một tuần. Không phải tờ báo này hạ giá, mà nó đang thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với nhu cầu đọc kiểu mới, hướng vào cái cách mà người dùng trải nghiệm, và trở thành toà báo thành công nhất với chính sách chuyển hướng từ tập trung vào quảng cáo sang thu tiền người đọc.
Tất nhiên không thể mang thị trường Mỹ hay các quốc gia khác để so sánh với Việt Nam, nhưng thu phí bạn đọc chắc chắn là con đường phải tính đến để khi doanh thu quảng cáo ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Làm thế nào để báo chí điện tử Việt Nam có thể thu phí bạn đọc?
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, cái thời mà người đưa tin không nhất thiết là báo chí, và một số cá nhân có lượng follower nhiều hơn cả các trang tin chính thống, thì việc cạnh tranh về tốc độ thông tin không còn là đặc quyền của báo chí nữa.
Nhưng báo chí có những ưu thế vượt trội mà các kênh cá nhân không cạnh tranh được, đó là khả năng nghiên cứu, điều tra, khai thác thông tin độc lập, là khả năng kiểm chứng thông tin khách quan, là khả năng quan sát và thu thập thông tin, phân tích thông tin đa chiều, với những nội dung đầu tư công phu, bài bản, có nhiều sâu. Nếu báo chí thể hiện được sức mạnh đó, thì vẫn sẽ có nhiều cơ hội bạn đọc lựa chọn trả tiền để mua nội dung chất lượng.
Tuy vậy, chất lượng nội dung chưa phải là cứu cánh, nếu như chỉ có một vài tờ báo dựng paywall thu phí. Đây phải là con đường chung cho các tờ báo muốn sống thực sự bằng nghề. Chúng ta cần những người tiên phong, mở ra những con đường mới, nhưng cũng cần các giải pháp thực tiễn để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của rất nhiều, nếu không muốn nói là tất cả các cơ quan báo chí.
Thay đổi thói quen đọc miễn phí của người Việt Nam không phải là dễ dàng, nhưng đã đến lúc chúng ta cần sự dũng cảm để thay đổi.
Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Le Group of Companies)
Nguồn tin: vietnamnet.vn