Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước
(Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 1/1967. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thi đua ái quốc nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân
Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá”. Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể: tăng gia sản xuất và tiết kiệm, giết giặc lập công, Ba đảm đang, Ba sẵn sàng, Năm xung phong… Nhiều cá nhân điển hình trong mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi, từ các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ công, nông, binh đến nhân viên chính phủ đã xuất hiện. Phong trào thi đua ái quốc đã dần thấm sâu vào từng tế bào của xã hội, từng con người cụ thể, nó không chỉ dừng lại ở một cuộc phát động đơn thuần, mà nó có sức sống và sức mạnh lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, một khí thế cách mạng mới trong xã hội. Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.
Những người thi đua là những người yêu nước nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thể hiện qua những lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến phong trào thi đua yêu nước, với mong muốn phong trào phải đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể. Người nhấn mạnh: Muốn thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thì phải có phương hướng đúng và vững, nghĩa là phải nâng cao lòng yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng.
Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp, sát với thực tiễn của phong trào. “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” – Người chỉ rõ.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Người cho rằng: “Số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng Huân chương, Huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”. Bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công)
đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, nhân rộng và thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Ngày 4/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương của Người, trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi rộng khắp và phát triển mạnh mẽ: phong trào xoá đói giảm nghèo; thanh niên tình nguyện; dạy tốt - học tốt; phong trào vì an ninh tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.
Có thể khẳng định rằng trải qua hơn 6 thập kỷ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những ngày đầu phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Nguồn: thiduakhenthuongvn.org.vn