Vụ thảm sát được chính những kẻ thảm sát mô tả
Ngày 16/3/1968, 105 binh sĩ một đại đội thuộc sư đoàn Americal do Đại úy Ernest Medina và Trung úy William Calley chỉ huy được trực thăng vận vào thôn Mỹ Lai 4. Từ khi đến Việt Nam, đại đội này đã mất 28 lính. Trước đó 2 ngày, 1 tiểu đội trưởng thuộc đại đội vừa thiệt mạng. Lính Mỹ được báo 1 đơn vị chủ lực Việt Cộng đang ở đây và họ hăng máu trả thù. Nhưng họ không chạm súng, cũng không gặp quân giải phóng. Thay vào đó, trong 4 tiếng sau đó, Medina, Calley và binh lính đã giết hại 407 ông bà già, phụ nữ, thiếu niên và trẻ sơ sinh vô tội. Giết chóc sẽ còn dã man hơn nếu phi công Hugh Thomson Jr. không đáp trực thăng chắn giữa lính Mỹ và mục tiêu họ định bắn, rồi ra lệnh cho phi hành đoàn bắn vào lính Mỹ nếu họ không ngừng bắn vào thường dân. Cùng thời điểm, cách đó 1,5 km, 1 đại đội khác giết thêm 97 dân thường.
Paul Meadlo, một quân nhân thuộc Americal Division nói: “Hơn 100 lính Mỹ, trong suốt 4 giờ đồng hồ đã tàn sát dân thường vô tội bằng đủ kiểu: súng bắn, cắt chỏm đầu, vứt xuống giếng, giết giữa kênh mương, nghỉ ăn trưa rồi giết tiếp. Sát nhân có tổ chức. Đàn ông, đàn bà, trẻ em ? Đúng thế. Cả trẻ sơ sinh. Trung úy Calley đến và bảo: “Các anh biết cách xử lý rồi chứ ?”, tôi đáp “ Vâng”, tôi tưởng ông ta muốn bọn tôi canh chừng dân làng. Khoảng 10, 15 phút sau, ông ta quay lại “Sao chưa giết hết đi?”. Tôi bắn tiểu liên, chĩa về phía họ rồi quạt, nên không rõ giết bao nhiêu vì bắn nhanh lắm. Chắc tôi giết khoảng 10, 15 người gì đó. Tại sao tôi làm thế ư ? Vì tôi thấy phải tuân lệnh, lúc đó có vẻ tôi thấy mình làm thế là đúng. Lúc đó tôi thấy vậy thật. Vì bạn tôi vừa thiệt mạng, thằng bạn tốt của tôi, Bobby Winson, tôi thương nó lắm, lúc giết họ, tôi thấy dễ chịu, nhưng sau đó tôi mới bắt đầu cắn rứt”[1].
Những con đường đầy xác người dân vô tội (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Neil Sheehan phân tích: “Cuộc chiến nào cũng có giết hại thường dân. Ở Việt Nam, đó không phải là chủ trương, không thường xuyên, nhưng cũng không phải là hiếm. Dù vậy, quy mô, chủ đích và cách sát hại trong vụ Mỹ Lai thì khác. Khác là ở chỗ họ giết người Việt Nam ở tầm rất gần, bằng súng và lựu đạn, không phải bằng bom hay pháo. Dùng bom, pháo thì chẳng ai nói gì vì là chuyện thường rồi” [2].
Binh nhất Varnado Simpson kể lại: “Tôi không có cảm giác, không có cảm xúc, không gì hết” và thừa nhận bản thân mình đã giết khoảng 25 người.
Những binh lính tham gia vụ thảm sát được yêu cầu đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Họ được yêu cầu “bắn hết những gì còn động đậy”, “hãy giết sạch những gì còn sống” khi một người nêu câu hỏi “Nếu không gặp Việt Cộng, mà gặp toàn phụ nữ và trẻ em thì sao?”.
Một binh lính khác mô tả hành động của đồng đội: “Anh ta bắn vào đứa bé với một khẩu AR-15. Nhưng trượt. Chúng tôi cùng cười. Anh ta tiến thêm khoảng 1 mét rồi lại bắn trượt. Chúng tôi cười. Cuối cùng anh ta dí súng vào đầu đứa bé và cho nó ăn kẹo đồng"....
Tổng cộng, lính Mỹ đã giết hại 504 dân thường từ 1 đến 82 tuổi, trong đó có tuyệt đại đa số là phụ nữ, người già và trẻ em, thiêu trụi 247 ngôi nhà. Toàn thôn chỉ có khoảng 30 người sống sót, là một số người lên núi đi làm sớm, vài người thoát chết nhờ nằm dưới đống xác người và khoảng gần 20 người được phi hành đoàn của phi công Hugh Thomson Jr. cứu sống.
Vụ thảm sát qua lời kể của những nạn nhân sống sót
Bà Phạm Thị Thuận, khi vụ thảm sát diễn ra, 30 tuổi, kể lại: "Chúng tôi cùng với số dân làng còn lại bị lùa đến khúc mương ngoài đồng. Đó là những người hàng xóm của nhà tôi, đến vài chục người - Khi giải chúng tôi đi trên đường, bọn lính kêu gào, chửi rủa, dùng chân đi giầy đinh đá chúng tôi hoặc nện bằng báng súng và đôi khi nã đạn. Mọi người bị bắt xếp hàng dọc theo rìa con mương, buộc phải quay lưng lại, đầu cúi gầm, quỳ gối, hai tay giơ lên. Không ai nghĩ rằng bọn lính sẽ giết chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn tuân lệnh và không hề chống cự. Nhưng bọn lính đã nã đạn. Những người bị giết nối nhau ngã gục xuống nước, từng người một".
Bà Thuận còn mô tả việc lính Mỹ sát hại cha bà: "Tôi nhìn thấy chúng bắn cha tôi như thế nào. Đến bây giờ tôi vẫn thấy rõ mồn một! Đầu cha tôi vỡ toác. Tôi không thể tin được, óc của cha tôi trắng tinh. Còn mọi thứ khác đều màu đỏ".
"Mọi người hoảng sợ la hét, lính Mỹ không thể bắn chết tất cả cùng một loạt. Chúng bắn thêm vào những người bị thương còn giẫy giụa. Tôi thì thầm với các con là phải nằm im. Có lúc tôi tưởng các con tôi đã chết cả vì hai đứa im lìm quá. Thật khủng khiếp! Chút nữa thì tôi bật hét lên vì nghĩ các con đã chết rồi. Nếu tôi hét lên chắc cũng bị giết ngay"[3].
Ông Phạm Thành Công, khi đó 11 tuổi, sau này là người trông coi di tích thảm sát Sơn Mỹ mô tả: "Người da trắng nhắm súng vào chúng tôi, hút thuốc lá và cười. Còn người da đen nổ súng vào những con bò và đốt cháy nhà kho của chúng tôi. Sau đó, họ bắt đầu bàn cãi xem nên làm gì với chúng tôi. Họ ra lệnh cho chúng tôi quay lại căn hầm. Khi chúng tôi chui xuống, họ ném ba quả lựu đạn vào hầm và bỏ đi". "Tôi nghĩ mẹ tôi đã hiểu hết. Mẹ nhận ra rằng bọn lính muốn giết chúng tôi chính bằng lựu đạn. Vì vậy, mẹ bảo chị em chúng tôi cố lùi sâu vào trong, chỗ cuối hầm. Còn mình mẹ ở lối ra. Lựu đạn xé người mẹ thành từng mảnh. Anh chị em tôi cũng chết. Chỉ mình tôi sống sót"[4].
Động cơ vụ thảm sát là trả thù sự thua đau trong Tết Mậu Thân
Có hay không việc quân đội Mỹ thua đau và nhắm đòn trả thù vào dân thường Nam Việt Nam. Câu trả lời là có.
Thứ nhất, trước Mậu Thân, Mỹ chưa gây ra một vụ tàn sát dân thường nào nổi tiếng, nhưng sau Mậu Thân, lính chiến đấu Mỹ đã tiến hành nhiều vụ thảm sát bằng vũ khí bộ binh, tiêu biểu là vụ thảm sát Sơn Mỹ, ngày 16/3/1968, giết hại hơn 504 người dân vô tội.
Thứ hai, trước Tết Mậu Thân, tội ác do Mỹ gây ra với dân thường tuyệt đại đa số bằng bom, pháo, giết người mà “bàn tay vẫn sạch sẽ”, giết người mà không ai biết hoặc ít người biết, giết người mà không bị cắn rứt lương tâm, đổ cho bom pháo và khó tránh khỏi trong chiến tranh. Nhưng sau Mậu Thân, trong các vụ tàn sát, Mỹ sử dụng vũ khí bộ binh để tàn sát dân thường, đó là tội ác không chối cãi được, tàn bạo đến mức một số quân nhân Mỹ đã phản đối quyết liệt ngay tại mặt trận cũng như đã đứng làm chứng trước tòa án xét xử tội phạm chiến tranh của quân đội Mỹ sau đó. Ngay buổi sáng diễn ra vụ thảm sát, có ít nhất một binh bính Mỹ đã tự bắn vào chân, tự thương, để phản đối sát hại dân thường và một phi hành đoàn trực thăng đã hạ máy bay để phản đối, cứu sống được gần 20 người dân.
Thứ ba, một số lính Mỹ tham gia thảm sát biện hộ rằng, họ phải tuân theo lệnh chỉ huy, rằng họ chỉ làm nhiệm vụ của một quân nhân, nhưng một số khác công khai thừa nhận giết dân thường vô tội để trả thù cho bạn bè, đồng đội họ đã thiệt mạng, như vậy rõ ràng có động cơ trả thù, dù không đúng đối tượng và không chính đáng. Quân số đại đội Charlie đã giảm từ 45 xuống 27 người từ khi đến Việt Nam và sĩ quan Medina nói rằng phải thẳng tay với Việt cộng để trả thù và nâng cao tinh thần của binh sĩ của đại đội.
Vụ thảm sát cho thấy những dối trá trong quân đội Mỹ tại Việt Nam
Quân đội Hoa Kỳ đã giấu nhẹm vụ thảm sát. Các báo cáo về cuộc hành quân lên cấp trên cho biết “đã tiêu diệt 128 Việt cộng trong khi quân đội Mỹ không có thương vong nào”. Tướng Westmoreland khi nhận được báo cáo về cuộc hành quân còn khen rằng đơn vị Charlie đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiều tháng sau đó, vụ thảm sát vẫn được giấu kín. Khi có những tố giác, một cuộc điều tra đã được mở ra, tuy nhiên, ngời ta cho rằng, trong cuộc hành quân, đại đội Charlie đã giành thắng lợi lớn và điều đáng tiếc khó tránh khỏi trong chiến tranh là đã “giết làm 22 dân thường Nam Việt Nam”. Các báo cáo về Mỹ vẫn báo cáo “Quan hệ giữa quân đội Hoa Kỳ và người dân Nam Việt Nam vẫn vô cùng tuyệt vời”.
Cuộc thảm sát có thể đã chìm đi nếu nhà báo Ronald L. Haeberle đi theo đơn vị Charlie không công bố cho báo chí những tấm ảnh ông chụp được. Có lẽ lương tâm cắn rứt, nên tháng 11 năm 1969, ông bán các bức ảnh chụp được về vụ thảm sát cho cho một số tờ báo Mỹ và châu Âu. Vụ thảm sát được điều tra và đưa ra ánh sáng. Báo The Plain Dealer số ra ngày 20/11/1969 đăng bức ảnh đầu tiên về cuộc thảm sát.
Trang nhất báo The Plain Dealer đăng ảnh vụ thảm sát (Ảnh Tư liệu)
Không thể né tránh, quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải mở cuộc điều tra và kết luận là đơn vị Charlie đã giết nhầm hơn 347 dân thường. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Trung úy Calley bị kết án chung thân, nhưng thực tế chỉ phải ở tù vài tháng và bị quản thúc tại nhà khoảng 3 năm rồi được trả tự do.
Hội chứng Việt Nam, hội chứng Mỹ Lai ám ảnh nhiều binh sỹ Mỹ
Sau chiến tranh, Hội chứng Việt Nam đã ám ảnh hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Điều này đặc biệt nặng nề đối với những binh lính từng tham gia cuộc thảm sát Mỹ Lai. Những con mương đầy xác chêt, những hình ảnh phụ nữ, người già và trẻ em được công khai trên báo chỉ ám ảnh họ một cách dai dẳng.
Binh nhất Varnado Simpson, người đã thừa nhận giết khoảng 25 người, đã sống những ngày tháng ám ảnh nặng nề sau khi giải ngũ. Năm 1977, con trai 10 tuổi của Simpson chết trong một vụ cướp cò súng, con gái simpson chết vì viêm màng não vài năm sau đó. Cho rằng Chúa đã trừng phạt những tội ác do mình gây ra, ngày 4/5/1997, ở tuổi 48, cựu binh này tự bắn vào đầu mình bằng một khẩu súng trường.
Robert W. T'Souvas, một binh sỹ từng tham gia cuộc thảm sát, trở về từ chiến tranh, bị khởi tố vì giết 2 đứa trẻ tại Mỹ Lai. Khi đi ngang một cái mương, thấy hai đứa trẻ bị thương, trong một hành động cảm tính, T'Souvas đã bắn chết hai đứa trẻ này và bào chữa tại tòa “Muốn nhanh chóng kết thúc nỗi khổ đau cho chúng”. Dù không bị kết tội, T'Souvas rơi vào trầm cảm nặng nề và giải quyết tâm lý trong 20 năm sau đó bằng ma túy và rượu. Những năm cuối cùng, T'Souvas sống cuộc sống bê tha và thường xuyên cãi cọ với vợ. Năm 1988, trong một cãi nhau, người vợ kết thúc cuộc sống của ông này bằng một phát đạn vào đầu.
Đã 53 năm kể từ vụ thảm sát Mỹ Lai, nhân chứng vụ thảm sát từ hai phía thưa vắng dần, nhưng những bức ảnh ghê rợn về vụ thảm sát thì còn mãi. Ngày nay, quan hệ toàn diện giữa Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển, nhưng Mỹ Lai vẫn còn đó trong lịch sử, như một lời nhắc nhở về sự quý giá của hòa bình có được.
Bình Nguyễn
Nguồn tin: Website; Việt Nam Thịnh Vượng.