Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trình bày diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
1. Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
2. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân;
3. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện;
4. Tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận.
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra; trình độ dân trí ngày càng cao; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng; các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều... để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, giữa các vùng, miền. Quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Coi trọng chất lượng, khắc phục tính hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, mà trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) và các văn bản của Đảng có liên quan. Nâng cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi gặp mặt, tuyên dương điển hình "Dân vận khéo".
“Dân vận khéo” việc gì cũng thành công
Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác Hồ đặt câu hỏi: “Ai phụ trách dân vận” và Người khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt minh, v.v) đều phải phụ trách dân vận”(1). Bác cho rằng Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì làm công tác dân vận mới thực sự có hiệu quả. Người từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(2). Vì vậy khi bàn về phẩm chất và phong cách người cán bộ dân vận Bác Hồ đã đúc kết thành 12 từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(3).
Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Hồ Chí Minh muốn khẳng định, công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người. Đó là tầm cao trí tuệ của người làm công tác dân vận. Cho nên phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn vận động nhân dân có hiệu quả. Muốn vậy, hoạt động dân vận phải coi trọng khả năng tuyên truyền, giáo dục, thu phục, thuyết phục quần chúng; khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đồng thời kịp thời ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh trong quần chúng nhân dân, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu người làm công tác dân vận cần sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đồng thời, tiến hành công tác dân vận tuyệt đối không được quan liêu, hành chính nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ, chỉ ngồi nghe điện thoại, nhận báo cáo rồi nhận định, phán xét chủ quan... dẫn tới tô vẽ, thổi phồng thành tích; nghe dân nói, nhưng không theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị, vừa định hướng, dẫn dắt, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và địa phương.
“Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay của người làm công tác dân vận. Vì vậy, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh... không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại.
Đối lập với tác phong “miệng nói, tay làm” là lối “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, tức là nói mà không làm và nếu có làm thì chỉ làm theo lối quan liêu “bàn giấy”. Theo Người: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”(4). Theo Hồ Chí Minh, người làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo, mục đích của công tác dân vận. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020.
Để xây dựng đội ngũ những người làm công tác dân vận hiện nay cần phải tập trung bồi dưỡng những phẩm chất năng lực sau đây:
Một là, cán bộ dân vận phải có trí tuệ, bởi khi đã xác định công tác dân vận vừa là khoa học, vừa là chính trị, nghệ thuật, trong thời đại khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiến như vũ bão thì chuẩn mực về trí tuệ đặt lên hàng đầu là rất cần thiết để họ có đủ sức tìm tòi, nghiên cứu, suy nghĩ, tư duy thấu đáo mới phát hiện và giải quyết những vấn đề đặt ra, giải quyết thấu đáo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, cán bộ dân vận phải có uy tín, giỏi tuyên truyền, thuyết phục. Uy tín là phẩm chất hàng đầu của người làm công tác dân vận. Để được nhân dân hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định người cán bộ làm công tác dân vận phải có uy tín. Uy tín của người làm công tác dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở hằng ngày tiếp xúc, giải quyết công việc trực tiếp với nhân dân lại càng quan trọng. Đồng thời, giỏi tuyên truyền, thuyết phục cũng là phẩm chất không thể thiếu của cán bộ làm dân vận. Cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Phải nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc; phải hiểu được ít nhiều ngôn ngữ địa phương mới có thể vận động, thuyết phục nhân dân có hiệu quả.
Ba là, cán bộ dân vận phải có tác phong quần chúng. Phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có trọng dân thì người cán bộ mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân; mới đến với dân như người thầy, người chủ của mình. “Gần dân” là đòi hỏi khách quan của người cán bộ dân vận. Những người có phong cách gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh; mới hiểu được cuộc sống tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và mới tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân. Muốn “học dân” thì người cán bộ phải thực sự biết lắng nghe, khiêm tốn, cầu thị.
Bốn là, cán bộ dân vận phải biết nêu gương. Người yêu cầu cán bộ phải gương mẫu, cùng với nhân dân thực hiện công việc, đồng thời phê phán “bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, nói không đi đôi với làm, ít đi cơ sở, thiếu sâu sát nhân dân của một số cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác dân vận.
Phải đưa cán bộ làm công tác dân vận vào rèn luyện, trưởng thành từ phong trào quần chúng, được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Bởi người cán bộ dân vận có từ nhân dân mà ra, có lăn lộn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói” với dân, có trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, dân yêu... mới có “chiếc chìa khóa” đi vào lòng dân - nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Ðó cũng là một trong những yếu tố để thực hiện tốt việc “dân vận khéo”. Mà “dân vận khéo” thì việc gì cũng thành công, từ đó mà tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm quý, giúp ích cho công tác dân vận của mình.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trao tặng Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.
Đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”
Hơn 10 năm qua, phong trào “Dân vận khéo” đã đạt được hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Chăm lo lợi ích hợp pháp chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên, nhân dân, gắn công tác dân vận với các phong trào thi đua, các cuộc vận động… Phong trào “Dân vận khéo” đã xuất hiện nhưng mô hình, điển hình tiêu biểu như : “Ngày thứ 6 dân nói” ở Đồng Tháp, phong trào “xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa” ở Nam Định, “Xây dựng khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”, “Xây dựng xã không có tội phạm về tệ nạn ma túy” ở Thanh Hóa, là những điểm sáng trong phong trào thi đua dân vận khéo góp phần xây dựng mối quan hệ tích cực giữa chính quyền và nhân dân.
Thực hiện công tác dân vận, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quanh vinh, con thuyền cách mạng của dân tộc ta đã và đang vượt qua thác ghềnh tiến về phía trước, hướng tới bến bờ vinh quang: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc sáng soi đường chỉ lối cho chúng ta, Đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng Việt Nam như mong ước cuối cùng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới ”.
--------------------------------
(1), (2), (3). Hồ Chí Minh (bút danh XYZ) tác phẩm “ Dân vận” báo Sự thật ngày 15-10-1949.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.89.
Trần Công HuyềnNguồn tin: Dân vận trung ương