Suốt 3 tháng qua, cả hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng và hàng ngàn hộ dân canh tác điều đã nỗ lực diệt trừ sâu bệnh tấn công các vườn điều.
Thế nhưng, còn rất nhiều khó khăn đặt ra cần phải xử lý, thì “thủ phủ” cây điều mới tránh được nguy cơ… thất mùa.
Dịch sâu bệnh tràn lan
Theo ông Phạm Văn Hoang - Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh BP: Toàn tỉnh có 134.204ha điều, tương đương 30,3% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu điều của tỉnh năm 2016 đạt 500 triệu USD, chiếm 25% tổng GDP của ngành nông nghiệp.
Ngành điều đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động tại 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều. Phát triển cây điều là chiến lược trong phát triển nông nghiệp của tỉnh BP. Tuy nhiên, suốt những năm qua, số phận cây điều luôn trong cảnh… không ổn định.
Nếu như năm 2015, cây điều bị hạn hán, El Nino… gây thiệt hại, thì năm 2017, nhiều cơn mưa lớn trái mùa đã phát sinh dịch sâu bệnh tàn phá trên 35.400ha điều (chiếm 25,6% tổng diện tích điều toàn tỉnh). Huyện Bù Đăng có khoảng 59.000ha điều, thì 40.037ha bị nhiễm bệnh. Trong đó, có trên 18.000ha bị nhiễm sâu bệnh rất nặng.
Huyện Phú Riềng có hơn 9.300ha điều bị nhiễm bệnh thán thư, gần 14.000ha bị bọ xít muỗi gây hại. Huyện Bù Gia Mập có trên 9.600ha bị sâu bệnh tấn công…
Ông Lê Quang Luyến - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH chế biến hạt điều Phúc An - cho rằng: “Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, dẫn đến độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh và côn trùng phát tán trên diện rộng. Tác nhân chính dẫn đến bệnh thán thư, bệnh khô cành, cháy lá là do bọ xít muỗi, bọ vòi voi chích hút, tạo điều kiện cho các tế bào nấm tấn công gây bệnh. Phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh hiện nay đều mắc phải bệnh này”.
Giúp dân phòng trừ sâu bệnh
Thật vậy, trong một tháng trở lại đây, trước tình hình dịch sâu bệnh tấn công loại cây chiến lược của tỉnh, hầu hết bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống vào cuộc giúp dân loại trừ sâu bệnh.
Ngày 21.9, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy BP - đã chỉ đạo hỗ trợ người trồng điều gặp khó khăn. Tuỳ trường hợp, tỉnh hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ở huyện Phú Riềng, chính quyền tổ chức 2 đợt ra quân “giải cứu” vườn điều tại 10 xã, bằng việc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc như: Tỉa thưa, cắt bỏ cành khô, cành sâu bệnh, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc giai đoạn ra hoa, đậu trái…
Người trồng điều được hướng dẫn cách nhận biết các triệu chứng dẫn đến bệnh thán thư, bệnh khô cành, cháy lá; cách xịt thuốc, bón phân theo phương pháp “4 đúng” của ngành bảo vệ thực vật khuyến cáo v.v…
Ông Lê Quốc Cường - GĐ Trung tâm Bảo vệ thực vật phía nam - cho biết: “Bộ NNPTNT đã cử đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế và nhận thấy bệnh bọ xít muỗi ở BP rất nặng. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tuyên truyền nông dân cắt tỉa, dọn vườn thông thoáng… Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh-kiểm tra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn cho họ để có trách nhiệm hơn với nông dân”.
Theo kỹ sư Phạm Văn Đấu (chuyên gia của Hiệp hội Điều VN): “Điều quan trọng đối với BP lúc này là phải làm sao tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chống sâu bệnh cho người dân sao cho hiệu quả nhất. Thí dụ: Đối với bọ xít muỗi, thời điểm phun hiệu quả nhất là chiều mát (khoảng 17-18 giờ). Những ngày trời âm u, bọ xít muỗi phát triển mạnh có thể phun sớm hơn.
Với bệnh thán thư, khi cây điều ra chồi non, nụ hoa, trái non nếu gặp điều kiện độ ẩm cao, sương mù nhiều, cần phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh và không phun thuốc trước 9 giờ để điều thụ phấn”. Song, trên thực tế, không phải tất cả mọi người đều tuân thủ kỹ thuật trên, dẫn tới không ít khó khăn trong công tác chống lại sâu bệnh…
Ông Lê Lý Tưởng - công tác tại Hội Nông dân tỉnh BP - nói: “Suốt một tháng qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các đội hình hỗ trợ người trồng điều tại 2 địa bàn trọng điểm là Bù Đăng và Bù Gia Mập. Các tổ hỗ trợ đã ra quân giúp nông dân 5 xã của huyện Bù Gia Mập thu dọn vườn được 22ha và đang tiếp tục triển khai, tập huấn tại vườn cho nông dân.
Hội Nông dân tỉnh cũng thành lập một đội tình nguyện có nhiệm vụ phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị xã nắm tình hình và tổ chức các hoạt động hỗ trợ những hộ có vườn điều bị thiệt hại, hằng tuần báo cáo kết quả về Thường trực hội. Công việc cụ thể của các đội ở xã, huyện là cắt tỉa, dọn vườn, phun thuốc trừ bệnh giúp nông dân.
Ban Dân tộc tỉnh đã thống kê số hộ mất mùa điều và hộ có nguy cơ đói giáp hạt để tỉnh có chính sách hỗ trợ” v.v… Trong lúc đó, trên tinh thần không để đồng bào bị mất mùa mà đói giáp hạt; UBND tỉnh BP đã yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khoanh, giãn nợ, ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay khắc phục vườn điều, tiến tới cải tạo, thay giống mới. Ngoài ngân sách tỉnh, hội điều và các DN chế biến điều chung tay giúp nông dân vượt qua khó khăn…
Chưa bao giờ, bắt đầu bước vào niên vụ điều, từ chính quyền đến người dân trồng điều tỉnh BP lại thấp thỏm như vụ điều năm nay. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền và hàng vạn hộ dân, vì sự sống còn của loại cây mang tính biểu tượng của vùng đất này thật đáng ghi nhận. Hy vọng, dịch sâu bệnh sẽ bị đẩy lùi trước sự nỗ lực này, để tránh cho BP thêm một vụ điều thất bát…