Kể về hành trình lập nghiệp của mình, anh Đạt chia sẻ: “Tốt nghiệp phổ thông, bạn bè đều đăng ký thi vào các trường cao đẳng, đại học, còn tôi chỉ thích tìm một nghề để học và đi làm phụ giúp ba mẹ. Ngày học phổ thông, gia đình chị gái có xưởng in nhưng nhỏ lẻ, chủ yếu nhận việc từ các xưởng lớn. Thời điểm ấy, tôi hỗ trợ công việc đơn giản, chưa nghĩ sẽ khởi nghiệp với nghề này. Sau đó, tôi tìm hiểu kỹ và quyết định học nghề in”. Anh làm tất cả công đoạn trong quá trình in lưới từ nấu keo, pha mực, phơi bản... đến kéo lưới. Có lúc anh không hiểu tại sao phơi bản đúng nguyên tắc mà vẫn không ra được bản đẹp. Sau được giải thích anh mới biết là có khi một bóng đèn làm sáng đã bị tháo ra hoặc đôi khi lật ngược tấm can mà anh không để ý... Những bài học thực tế làm anh nhớ rất lâu. Được thực hành nhiều và có hướng dẫn cụ thể trong cách khắc phục lỗi khi in nên anh nắm cơ bản công đoạn in lưới.
Anh Lê Tiến Đạt in lụa bằng phương pháp thủ công
Là người năng động, nhạy bén, ham học hỏi cùng kinh nghiệm thực tế, chỉ trong thời gian ngắn anh đã nắm vững nhiều kiến thức của nghề in. Hơn 3 tháng vừa học vừa làm, anh tự tin với tay nghề. Đầu năm 2009, anh gom góp vốn mở một xưởng nhỏ làm riêng. “Thời điểm khởi nghiệp, có lúc tôi phải ăn mì gói cả tháng để thực hiện mục tiêu của mình. Tôi chọn nghề in phần vì tò mò, cảm thấy thú vị, phần vì nghề này cho thu nhập ổn định. Đến nay đã gần chục năm, trải qua nhiều gian nan nhưng tôi vẫn gắn bó, đúng là có duyên thì không bỏ được!” - anh Đạt nói. Thời gian đầu, mặc dù cơ sở in nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng do chưa có kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hạn chế, vì vậy các sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Theo thời gian, anh chăm chỉ vừa học vừa làm, tay nghề nâng lên, các sản phẩm ngày càng đa dạng, bước đầu anh Đạt gây dựng được thương hiệu. Khó khăn lớn nhất khi mới vào nghề là khâu tiếp thị và tìm kiếm khách hàng, sau một thời gian khẳng định chất lượng sản phẩm anh luôn có lượng khách hàng ổn định. Anh Đạt cho biết, người làm nghề phải có tâm huyết, in thật cẩn thận, tỉ mỉ từ hình thức đến chất lượng, làm cho khách hàng tin tưởng và hài lòng. Mỗi sản phẩm chỉ lời vài trăm đồng nhưng nhờ số lượng lớn nên cơ sở của anh có nguồn thu ổn định. In lụa thủ công có ưu điểm nổi bật là giá in lụa rẻ, có thể in trên nhiều loại chất liệu như vải, giấy, thủy tinh, kính, kim loại, decal, gỗ... khả năng chủ động về màu sắc khi số lượng in ít. Đây là nghề đầu tư không nhiều và có thể làm tại nhà, từ việc in card, in túi, in áo... đến làm thiệp cưới để tăng thu nhập. Từ niềm đam mê, chịu khó và đặt uy tín chất lượng lên hàng đầu nên cơ sở luôn giao hàng đúng thời gian, hình thức đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, khách hàng trong, ngoài tỉnh tìm đến cơ sở của anh. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 20 triệu đồng.
In thủ công có lợi thế là in được trên mọi chất liệu, hình khối. Đầu tiên người thợ phải lên ma-két trên máy vi tính, sau đó in phim bằng chất liệu giấy can, tiếp đến chụp qua khung lụa bằng tơ tằm, cuối cùng mới in lên chất liệu và chờ khô. Công đoạn nhiều và để có một sản phẩm đẹp đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từ việc xuất phim, tách màu sao cho không bị lem... In trên nhiều chất liệu phải cần nhiều kỹ thuật khác nhau, nếu không “lành nghề” sẽ khó cho ra sản phẩm ưng ý. Vật càng nhỏ in càng khó.
Tuổi đời chưa nhiều nhưng tuổi nghề cũng gần chục năm, với niềm đam mê và dám làm, bước đầu anh Đạt gặt hái được thành công. Bởi vậy nếu còn băn khoăn về con đường khởi nghiệp thì mong rằng các bạn trẻ hãy chọn cho mình một sự khởi đầu từ lòng đam mê và sở trường, thành công nhất định sẽ đến khi bạn đủ bản lĩnh và kiên trì.